Toản Quốc's profile

CRYING IN H MART - MICHELLE ZAUNER

CRYING IN H MART - MICHELLE ZAUNER: KHI SỰ ĐẮNG CHÁT CỦA NỖI BUỒN VÀ ĐAU KHỔ HÓA THÀNH SỰ NGỌT NGÀO CỦA NIỀM HÂN HOAN VÀ HẠNH PHÚC
Tôi vẫn còn nhớ như in cảnh bà Ja-ok bước vào một quán ăn bình dân nhỏ xí sau khi đi siêu thị, rồi tình cờ bắt gặp cô Hyun-kyung cũng ở trong đó, và gọi đúng ngay món súp giá đậu nành mà chính bà cũng đã chọn, cả hai đã cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm đã rất lâu rồi về mẹ mình khi ăn món súp giá đậu nành đầy ý nghĩa đối với cả hai. Đối với tôi, đó chính là cảnh phim cảm động nhất của bộ phim bộ phim nổi tiếng Hàn Quốc “High Kick Through The Roof” phần 2 mà ở Việt Nam được biết đến rộng rãi hơn với cái tên là “Gia Đình Là Số Một” phần 2. Tại đó, tôi đã thấy hai người phụ nữ dù chẳng ưa nhau lại cùng nhau hóa giải mọi hiềm khích lẫn hận thù bằng món ăn và bằng chính những người mẹ quá cố của mình.

Trong cuốn “Crying In H Mart”, hành trình chữa lành của Michelle Zauner cũng liên quan đến hai thứ kể trên, đó là đồ ăn và mẹ mình. Mẹ của Michelle qua đời năm 2014 sau nhiều tháng hóa trị và đấu tranh đến chẳng còn gì, và trong nhiều năm trời, Michelle đã đấu tranh rất nhiều để vượt qua nỗi đau đó. Để rồi khi cuốn hồi ký được cô viết trong 4 năm trời kể từ ngày mẹ cô mất cùng với đó là album phòng thu thứ ba của mình là “Jubilee”, Michelle Zauner như muốn nói rằng, giờ đây cô không còn bật khóc mỗi khi bước vào H Mart.

Thú thật, cuốn hồi ký này của Michelle Zauner đã đến với tôi ngay lúc tôi cần nó nhất. Lý do là dạo gần đây, tôi và mẹ đã có một cuộc chiến tranh lạnh về mái tóc đỏ cùng cách thể hiện bản thân, theo bà, là không hề phù hợp đối với một thành phố thuộc miền Tây. Bà không chịu nhún nhường tôi và cả tôi cũng chẳng hề muốn nhún nhường bà, tôi vẫn đem cái đầu đỏ chói về nhà - một hành động chọc tức bà công khai.

Tôi nghĩ, khi thấy những hình xăm đầu tiên của Michelle, trực tiếp trải nghiệm căn hộ tồi tàn ẩm mốc của Michelle, rồi bâng khuâng trong lúc Michelle trình diễn những ca khúc chẳng ra làm sao, mẹ của Michelle chắc cũng tức điên như cách tôi làm với mẹ mình.

Trong cuốn hồi ký, cô Chongmi tức mẹ của Michelle hiện lên theo đúng kiểu một bà mẹ châu Á, luôn tạo một bức màn ngăn cách con mình bước vào, luôn chửi mắng con mình nếu chúng làm một điều gì đó rồ dại hay phải chăng vấp ngã thay vì cồn cào nhào tới hỏi thăm chúng có bị làm sao, luôn dạy con mình những bài học vô cùng khó hiểu đối với độ tuổi chúng đáng được học. Và cũng tại đó, tình yêu thương vô bờ bến của cô Chongmi lại trở nên gần gũi đến kinh khủng đối với những độc giả châu Á, một người mẹ giữ lại tất cả những gì thuộc về con hoặc liên quan chút đỉnh đến con mình, quan tâm thầm lặng con mình, luôn để ý những gì nhỏ nhặt nhất; càng ít thể hiện tình yêu thương của mình, cô Chongmi lại càng cho thấy tình yêu thương của cô to lớn, vĩ đại, và mãnh liệt đến cỡ nào.

Hành trình mà Michelle Zauner đi qua trong “Crying In H Mart”, chính là hành trình để cô nhìn lại người mẹ yêu kiều của mình bằng một cặp mắt khác, một cặp mắt của người con cuối cùng cũng nên làm gì đó cho người mẹ đã sinh ra mình và chăm lo cho mình từng ngày. Nó cũng là hành trình nơi cô quằn quại và vật lộn với những đau khổ và nỗi buồn khi bà mất đi, nơi cô khóc đến sưng cả mắt mỗi khi nghĩ đến bà hay thậm chí là bất cứ gì liên quan dù nhỏ nhất đến bà, để rồi nhận ra, kể cả không có niềm tin gì về một thế giới đầy tâm linh, cô vẫn nhận ra bà vẫn đầu đó xung quanh cô, dõi theo từng ngày, nhắc nhớ cô phải cho nước đến đâu để gạo phải thật ngon nhất và độ chua, mặn, ngọt của từng món ăn như thế nào là hoàn hảo nhất.

Và quan trọng nhất, trong cuốn hồi ký này, Michelle Zauner cũng tìm lại những gì thuộc về cô tức là một nửa Hàn Quốc luôn chảy trong cô và hiện lên rõ ràng thông qua vẻ ngoài của cô. Tại “Crying In H Mart”, Michelle Zauner tìm về những món ăn quen thuộc và học làm nên chúng, từ những món nổi tiếng nhất của Hàn như mì tương đen (jjajangmyeon), mì lạnh (naengmyeon), cơm trộn (bibimbap), banchan, kim chi,... đến những món ít được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông hay sản phẩm nghệ thuật như bánh ppeongtwigi, cháo hạt thông (jatjuk), soondubu jjigae,...

Nhưng ở đất nước Mỹ xa xôi, cách Seoul hơn 8000 cây số tính từ Eugene nơi gia đình Michelle Zauner từng ở, những đứa con châu Á muốn tìm được những nguyên liệu để nấu những món đấy chỉ có thể đến H Mart - một chuỗi siêu thị châu Á tại Mỹ. Và đây chính là lý do khiến cho tên của cuốn hồi ký này lại là “Crying In H Mart” hay tiếng Việt là “Bật Khóc Tại H Mart”. Bởi lẽ, mỗi lần bước vào H Mart, những gì đã làm nên một nửa bên trong cô, những gì thuộc về cội nguồn nhất bỗng sống dậy, khiến bên trong cô trào dâng một cảm xúc mạnh mẽ đủ nuốt trọn cô, nỗi nhớ quê hương. Tuy nhiên, hơn cả thế, bước vào H Mart chính là bước vào những kỷ niệm cũ kỹ của cô và mẹ, nơi hình bóng người mẹ đắn đo lựa chọn nguyên liệu hảo hạng nhất dành cho gia đình mình, rồi xoay qua chỉ cho người con của mình nên mua những nguyên liệu nào để nấu món nào, và chỉ nên chọn bột chiên của hãng này thay vì hãng này. Nó làm tôi nhớ đến phim "Minari" của đạo diễn Lee Isaac Chung vô cùng, mà cụ thể là cảnh người mẹ Monica cầm hộp cá cơm, òa khóc và sa vào lòng mẹ của cô là bà Soonja; một khoảnh khắc mà bất kỳ ai cũng cảm nhận được một nỗi nhớ quê mãnh liệt lan tỏa khắp không gian.

Khá trùng hợp là khoảng thời gian gần đây, tôi cũng đang xem khá nhiều phim châu Á như để tìm lại một phần mà tôi đã lâu lắm rồi không thèm đoái hoài, cho nên việc Michelle Zauner nhìn nhận lại một nửa tạo khiến mình cảm nhận được rất rõ. Giống như mình cũng đang trên hành trình tìm về những gì đã tạo nên mình.

Sau sự ra đi của mẹ mình, Michelle Zauner đã đâm đầu vào sáng tác và phát hành album đầu tiên của ban nhạc của cô - "Psychopomp" vào năm 2016 - album đặt tiền đề cho sự thành công của cái tên Japanese Breakfast nói chung và cái tên Michelle Zauner nói riêng. Rồi tiếp tục gây điểm với album phòng thu thứ hai "Soft Sound From Another Planet", đỉnh điểm là sự thành công vang dội của cuốn hồi ký "Crying In H Mart" và album phòng thu thứ ba "Jubilee". Có thể nói, tất cả chính là món quà của to lớn và sau cùng của cô Chongmi, như thể chứng minh rõ ràng về sự xuất hiện của bà theo một cách khác, vô hình nhưng lại không hề vô hình.

"Crying In H Mart" là một cuốn hồi ký sẽ làm bất kỳ đứa con châu Á nào cũng phải ngậm ngùi, thậm chí là bật khóc, đối với những đứa con châu Á xa nhà hay có mối quan hệ yêu ghét lẫn lộn với chính người mẹ của mình. Tại đây, Michelle Zauner dắt tay người đọc vào câu chuyện của mình, vừa ngọt ngào vừa tàn nhẫn tàn phá họ từ bên trong khi con mắt họ lê từng dòng chữ trên trang sách, và khi kết thúc, chính họ nhận ra rằng, họ sẽ chẳng thể nào như trước được nữa.

CRYING IN H MART - MICHELLE ZAUNER
Published:

CRYING IN H MART - MICHELLE ZAUNER

Published:

Creative Fields